
Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 21/03/2025 14:01
Tin nóng:
Ngày 11/10, tại Kiên Giang, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X, năm 2024.
9 tháng năm 2024, ngành Công Thương khu vực phía Nam vẫn giữ được ổn định tăng trưởng. Trong đó, về chỉ số sản xuất công nghiệp, có 6/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của khu vực (tăng 10,73%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.442,330 nghìn tỷ đồng, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 108,427 tỷ USD, tăng 10,41% so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng. Ảnh: Trần Đình |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong khu vực giữ nhịp tăng trưởng. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế đang tồn tại, ảnh hưởng tới phát triển bền vững của ngành.
Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ nhưng một số địa phương tốc độ tăng trưởng chậm, không đều, sản phẩm công nghiệp còn đơn điệu. Nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất một số ngành hàng chủ yếu là nhập khẩu làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Công tác xúc tiến thương mại, quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường, công tác phòng vệ thương mại cần được tiếp tục đẩy mạnh.
Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2024, góp phần quan trọng hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh, lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố, đặc biệt là các Sở Công Thương rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, dự báo sớm tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu. Tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa, phối hợp kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu.
Thứ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh, các địa phương trong khu vực chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu nhằm tạo và giữ vững uy tín trên thị trường; xây dựng vùng nguyên liệu giúp giữ ổn định chất lượng sản phẩm và đảm bảo nguồn cung; chú trọng hơn tới công tác phòng vệ thương mại.
Trước đó, tối 10/10, Bộ Công Thương cũng phối hợp tổ chức lễ Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024 và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của khu vực phía Nam năm 2024.
Năm 2024, khu vực phía Nam có 382 sản phẩm đăng ký bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu từ 18/20 tỉnh, thành phố, trong đó 189 sản phẩm đã được công nhận, đạt 49,5% tổng số đăng ký. Như vậy, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được công nhận của khu vực phía Nam chiếm 43% trong tổng số sản phẩm được công nhận cả nước năm 2024. Đây là số sản phẩm được bình chọn nhiều nhất từ trước đến nay của cấp khu vực.