
Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 21/03/2025 14:01
Tin nóng:
Vi phạm luật cạnh tranh, "táo khuyết" Apple đối diện án phạt 539 triệu USDTuân thủ pháp luật cạnh tranh để phát triển bền vững trong CPTPP |
Thúc đẩy sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong khu vực
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (Hiệp định RCEP) là một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) quan trọng, quy tụ 15 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm 10 quốc gia ASEAN và các đối tác chiến lược như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Trong đó, các quốc gia tham gia thành viên có tổng GDP chiếm 30% tổng GDP toàn cầu; và có tổng dân số chiếm 1/3 tổng dân số thế giới.
![]() |
RCEP là Hiệp định Thương mại tự do quan trọng, quy tụ 15 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh minh họa |
Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), Hiệp định RCEP không chỉ tạo ra những cơ hội thương mại tự do mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong khu vực. Theo đó, các quốc gia thành viên RCEP đều cam kết xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng, bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo không có hành vi hạn chế cạnh tranh. "Mục tiêu của cam kết cạnh tranh là thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và phúc lợi của người tiêu dùng" - đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông tin.
Cơ quan Cạnh tranh của Việt Nam cũng cho biết, các nội dung cam kết về cạnh tranh trong nằm ở Chương 13 của hiệp định như: Cấm các hành vi độc quyền, kiểm soát chặt chẽ các vụ sáp nhập lớn và đảm bảo không có hành vi thao túng thị trường.
Cụ thể, gồm các cam kết về ngăn chặn các hành vi chống cạnh tranh, kiểm soát các hoạt động mua bán và sáp nhập, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hợp tác và trao đổi thông tin giữa các quốc gia thành viên, minh bạch trong thực thi pháp luật cạnh tranh, xử lý tranh chấp về cạnh tranh, tôn trọng quyền tự chủ trong quản lý cạnh tranh.
Đại diện Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh (Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) cho biết, trong 15 nước, Nhật Bản và Úc là hai quốc gia thành viên RCEP sở hữu tiềm năng hợp tác thương mại to lớn với Việt Nam. Điều này thể hiện qua tốc độ tăng trưởng kim ngạch ấn tượng; song song với đó, Nhật Bản và Úc còn có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi pháp luật cạnh tranh. Góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng trong khu vực.
Theo đó, tại Nhật Bản, Luật chống độc quyền đã điều chỉnh các nhóm hành vi phản cạnh tranh như: Hạn chế thương mại bất hợp lý và hạn chế thương mại không công bằng, điển hình như các thỏa thuận: Ấn định giá; giới hạn sản xuất; phân chia thị trường, khách hàng; thông đồng đấu thầu; hoặc ấn định giá bán lại; áp đặt các điều kiện giao dịch, thương mại một cách không công bằng, bất hợp lý.
Ngoài ra, luật còn điều chỉnh hành vi độc quyền tư nhân, điển hình gồm các hành vi lạm dụng sức mạnh thị trường như: Định giá hủy diệt, thương mại độc quyền, bán kèm, từ chối thương mại hoặc phân biệt đối xử. Đồng thời, luật cũng điều chỉnh kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế và quy định những trường hợp đặc biệt đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm.
"Luật chống độc quyền Nhật Bản cũng điều chỉnh đối với các hành vi thương mại không lành mạnh khác, điển hình như: Lôi kéo khách hàng không chính đáng, ép buộc, gây rối trong kinh doanh" - Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh cho hay.
Về chế tài xử phạt, các doanh nghiệp vi phạm có thể phải đối mặt với một số hình thức xử phạt nghiêm khắc; trong đó, có hình thức xử phạt chính là phạt tiền, được xác định theo tỷ lệ dựa trên doanh thu hoặc lợi nhuận từ hành vi vi phạm (lên đến 10% đối với hành vi thỏa thuận, 6% đối với hành vi lạm dụng). Ngoài ra, đối với một số hành vi thỏa thuận phản cạnh tranh nghiêm trọng còn có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự, là phạt tù, tối đa lên đến 5 năm.
![]() |
Doanh nghiệp cần tuân thủ pháp luật cạnh tranh để tận dụng hiệu quả các cơ hội kinh doanh từ Hiệp định RCEP. Ảnh: Nguyễn Mạnh |
Trong khi đó, Luật cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng của Úc lại điều chỉnh các nhóm hành vi phản cạnh tranh. Cụ thể như thỏa thuận về: Ấn định giá; ngăn cản, hạn chế việc sản xuất, phân phối; phân chia thị trường; thông thầu; hoặc các thỏa thuận về: Ấn định mức giá bán lại tối thiểu; bán kèm, áp đặt điều kiện buộc phải mua kèm từ một bên thứ ba không liên quan.
Hay hành vi đơn phương có tính lạm dụng (nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh hoặc cản trở cạnh tranh trên thị trường) của các doanh nghiệp có sức mạnh thị trường đáng kể. Và hành vi bán dưới giá thành của các doanh nghiệp có mức thị phần đáng kể trên thị trường.
Ngoài ra, hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác như: Cung cấp thông tin sai lệch gây nhầm lẫn trong hoạt động kinh doanh, quấy rối, ép buộc gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Đồng thời, luật cũng điều chỉnh kiểm soát hoạt động tập trung kinh tế trong và ngoài lãnh thổ Úc nhưng có tác động hoặc có khả năng tác động hạn chế cạnh tranh đáng kể trên thị trường Úc. "Luật cũng bao gồm những quy định bảo vệ người tiêu dùng, theo đó doanh nghiệp phải tuân thủ trong các giao dịch với người tiêu dùng tại Úc" - Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh nói.
Về chế tài xử phạt tại Úc, các doanh nghiệp vi phạm, có thể phải đối mặt với một số hình thức xử phạt nghiêm khắc; trong đó, hình thức xử phạt chính là tiền, tối đa lên đến 10 triệu đô la Úc hoặc 10% doanh thu trước năm thực hiện hành vi vi phạm. Ngoài ra, đối với một số hành vi thỏa thuận phản cạnh tranh nghiêm trọng, còn có thể bị xử lý theo pháp luật hình sự, là phạt tù, tối đa lên đến 10 năm.
Tuân thủ để tận dụng hiệu quả cơ hội kinh doanh
Theo Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hiệp định RCEP mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng thị trường và hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, để đảm bảo tuân thủ pháp luật cạnh tranh và tận dụng hiệu quả các cơ hội kinh doanh từ Hiệp định RCEP, doanh nghiệp cần thực hiện và chuẩn bị tốt các vấn đề sau:
Một là, nghiên cứu, tìm hiểu và nắm bắt rõ các quy định của pháp luật về cạnh tranh tại quốc gia thành viên RCEP - nơi doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hoặc nơi có đối tác đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.
Hai là, xem xét sự khác biệt trong thực tiễn thực thi và mức độ nghiêm khắc trong thực thi của cơ quan cạnh tranh tại quốc gia thành viên RCEP để đánh giá, xác định rủi ro pháp lý.
Ba là, xây dựng và triển khai chương trình tuân thủ pháp luật cạnh tranh tại doanh nghiệp như: Ban hành chính sách nội bộ, ban hành doanh mục những việc nên và không nên thực hiện; tổ chức đào tạo định kỳ cho nhân viên về pháp luật cạnh tranh và các rủi ro có thể gặp phải; cung cấp tài liệu hướng dẫn cho nhân viên trong việc xử lý các tình huống tiềm ẩn nguy cơ vi phạm.
Bốn là, thiết lập quy trình giám sát và kiểm soát nội bộ như: Kiểm tra các hợp đồng, thỏa thuận, hoạt động kinh doanh đảm bảo tuân thủ cạnh tranh; xây dựng và áp dụng cơ chế báo cáo, kiểm toán để phát hiện sớm các hành vi vi phạm; lập bộ phận chuyên trách về tuân thủ pháp luật cạnh tranh.
Năm là, thiết lập quy trình ứng phó khi bị điều tra về hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, chẳng hạn như cung cấp thông tin; hợp tác chặt chẽ với các cơ quan cạnh tranh trong quá trình điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh.
Sáu là, xây dựng và thúc đẩy văn hóa kinh doanh tuân thủ pháp luật cạnh tranh tại doanh nghiệp.
"Việc tuân thủ chính sách và pháp luật cạnh tranh không chỉ giúp doanh nghiệp tránh rủi ro pháp lý, mà còn tăng cường uy tín, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Doanh nghiệp cần xem đây là ưu tiên chiến lược để phát triển bền vững trong khuôn khổ RCEP" - Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh khuyến nghị.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch thực thi Hiệp định RCEP năm 2024 của Bộ Công Thương, trong tháng 12 vừa qua, đơn vị đã chủ trì, tổ chức chuỗi hội thảo "Tập huấn dành cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp về cam kết cạnh tranh trong Hiệp định RCEP và pháp luật cạnh tranh của một số quốc gia thành viên RCEP" tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng, nhằm tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp, tổ chức hiểu rõ hơn tầm quan trọng của pháp luật cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập hóa toàn cầu hiện nay. Đây được xem là hoạt động thiết thực nhằm giúp doanh nghiệp không chỉ tránh rủi ro pháp lý mà còn tận dụng tối đa các cơ hội mà RCEP mang lại, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp ra thị trường các quốc gia thành viên Hiệp định RCEP. Theo đó, chuỗi hội thảo đã thu hút sự tham dự của đông đảo đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội, công ty luật, cơ quan quản lý, chuyên gia kinh tế và pháp luật, các đơn vị báo chí truyền thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và TP. Đà Nẵng và các khu vực lân cận. |